LÝ SƠN, NHỮNG MÙA NHỚ
Lượt xem:
LÝ SƠN, NHỮNG MÙA NHỚ
Tác giả: Đặng Thị Thu Thảo
KỶ NIỆM 40 NĂM THÀNH LẬP TRƯỜNG THPT LÝ SƠN (1984 – 2024)
Hàn Mặc Tử có câu thơ: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”. Ai cũng biết, Vĩ Dạ vốn không phải là nơi chôn nhau cắt rốn của thi nhân, nhưng người nào đó ở Vĩ Dạ vẫn có thể “ngang nhiên” lắm: Sao anh không về?
Đời người bao lần hợp tan, bao nỗi biệt li mà lòng không nỡ, khi ấy lại nhói lên vết dao ngọt ngào: Sao anh không về…?
Kẻ li hương lâu ngày bị thương nhớ giày vò cũng đành thôi. Trong âm thầm lặng lẽ. Có những khách lãng du chỉ dừng chân lại Lý Sơn vài năm trong chuỗi dài hành trình của cuộc thiên lí giấc mộng đời người, chắc vẫn nghe đau lòng.
Về để biết rằng trường xưa thầy cũ vẫn còn đó, mái rêu mờ mờ như những mảng mây đổi màu trên mái đầu ông giáo cũ, như còn mong chờ những ngày xưa…
Về để biết rằng bao nhiêu thế hệ vẫn còn đang đêm ngày nung nấu, vẫn nhóm lên trong tim ngọn lửa của khao khát được tiếp nối con đường cha anh đã đi qua, và có lẽ, trong lòng những mái đầu xanh còn tâm niệm, sẽ đi xa hơn thế nữa.
Về để nghe lòng mình ấm lại, cái ấm nóng của nắng, của gió của cát của xôn xao con sóng đong đưa, để nghe lòng mình lúc khắc khoải, lúc bình yên … Người còn không muốn về hay sao? Người sao còn chưa về? Bốn mươi năm qua, không lẽ chẳng có gì để nói với nhau? Trong lòng chẳng phải còn “ấm ức” những câu chuyện cũ còn mong được giãi bày?
Về để sống lại tình người xưa cũ, cái miên man trong giọng nói, cái ấm áp trong ánh nhìn, cái bắt tay thâm tình, thân ta lại muốn rũ sạch bụi trần, và sống lại giấc mộng tuổi hoa niên.
Chúng ta, chính là người lữ hành lãng du trên mặt đất, cứ lay hoay mãi nơi tha phương, chẳng phải chỉ để mong chờ được yêu thương và xoa dịu trái tim bỏng rát tủi hờn hay sao? Sao anh còn chưa về? Lý Sơn vẫn còn đó.
Hình ảnh: Lý Sơn – những mùa nhớ
Lý Sơn những ngày này còn đang bộn bề những nỗi niềm, những trăn trở. Những chuyến tàu, những chuyến hàng, những dự án. Nguồn nhân lực được bổ sung, những con người trẻ khao khát canh tân, khao khát vươn xa, đang đến với hòn đảo nhỏ với những giấc mơ “dời non lấp biển”. Lý Sơn sẽ là quê hương thứ hai của họ, nơi khai sinh lại tình yêu của chúng ta với cuộc đời, chắc chắn thế. Ai có thể rời xa được mảnh đất thuần hậu, trong sáng, quý giá như viên ngọc lấp lánh giữa miền đông của tổ quốc. Ai có thể từ bỏ được sức quyến rũ mê man của tình người, cái xứ sở ân tình, trái tim của cư dân trên đảo như phơi trần những nhịp đập yêu thương giữa đời. Thật lạ lùng làm sao! “Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương” nhà thơ Chế Lan Viên, trong một bài tình ca về miền Tây Bắc xa xôi đã nói thế!
Lý Sơn là một Tây Bắc, một Vĩ Dạ. Vì, nơi nào có tình yêu nơi đó có mái ấm. Nơi nào có tình yêu nơi đó có quê hương. Là nơi ta có quyền trở về. Cần gì ai nói. Trong lòng ta tự biết là được. Trong lòng ta không thể nào rời bỏ. Không thể nào phủ nhận một thứ yêu thương đã âm thầm bén rễ từ lâu. Như thầy Trần Ngọc Bích, vẫn thường hay tếu táo với mấy cô giáo đất liền những ngày đầu nhận việc tại ngôi trường của miền sóng gió.
Gió đưa gió đẩy bông trang,
Ai đưa ai đẩy duyên nàng tới đây.
Tới đây thì phải ở đây,
Bao giờ bén rễ xanh cây rồi về.
Ân tình đã có. Quê hương đã tự hiểu trong lòng.
Trường trung học phổ thông Lý Sơn cũng đang vội vã, náo nức với những ngày trọng đại sắp đến: Lễ kỉ niệm 40 năm thành lập trường. Bầu trời 40 năm về trước chỉ còn nằm lại trong kí ức, chỉ còn nằm lại trong sự hoảng hốt, day dứt, sự khắc khoải của thế hệ trước. Bản thân tôi, bậc hậu bối, mới bám trụ gần 15 năm thì làm sao hiểu được hết. Không hiểu được. Nhưng cái sóng gió trong đời người, cái khao khát mong muốn được thay đổi của tiền nhân đối với xứ sở thì có thể cảm được sâu sắc lắm. Ai có về Lý Sơn trong những mùa gió, biển trời lung lay trong cơn kinh hoàng, ai có ở Lý Sơn những mùa nắng, mới biết cái dội lửa của miền đảo xa. Nhưng, ai bám chặt đảo trong những năm tháng dài mới thấy đời người thật hạnh phúc. Giữa bốn bề mây phủ mưa bão, lòng vẫn cứ bình yên lạ thường.
Mái trường Lý Sơn lại càng đầy ắp yêu thương. Chính tình yêu và sự gắn bó là động lực mạnh mẽ để học sinh ngày đêm cày xới trên cánh đồng tri thức, mang về những mùa vàng trĩu nặng. Mỗi mùa khai trường lại một niềm hi vọng. Khao khát của thế hệ trước lại bùng lên mạnh mẽ lên trong những ngày này. Thành tích đáng nể của thế hệ học trò mới lại củng cố thêm niềm tin cho ngành Giáo dục của huyện nhà. Hai từ “thủ khoa” thường hay được nhắc đến, kèm theo niềm tự hào và cảm giác lâng lâng hạnh phúc.
Người đi có thấy chăng một Lý Sơn đang thay da đổi thịt. Cố nhân có thấy không một mái trường đang phá vỡ cái vỏ kén lâu nay để tự làm mới mình, đang hùng dũng vươn khơi, tiến mình ra đại dương của tri thức.
Lý Sơn những ngày này vẫn phơi mình trong cái nắng dữ dội của mùa hè, trái tim của hòn đảo nhỏ vẫn âm thầm những nỗi lòng, biển cả vẫn lay động xôn xao những mùa thương nhớ cũ. Vẫn mong chờ khắc khoải với nỗi niềm: Sao anh chưa về?