Học sinh cần chú ý vấn đề thời sự ở môn Ngữ văn

Lượt xem:

Đọc bài viết

Một số vấn đề thời sự gần gũi, thiết thực, nhân văn có thể được đưa vào đề thi môn Ngữ văn ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Ngày 31/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đề tham khảo 7/9 môn của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, trong đó có Ngữ văn – đề thi duy nhất được ra dưới hình thức tự luận. Thầy giáo Phan Thế Hoài, thạc sĩ Ngôn ngữ học trường THPT Bình Hưng Hòa, TP HCM, đánh giá đề có cấu trúc quen thuộc, không có gì khác lạ so với đề thi chính thức của những năm vừa qua.

Đề Ngữ văn có hai phần là đọc hiểu và làm văn, các câu hỏi được thiết lập theo ma trận nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao.

Phần đọc hiểu, ngữ liệu cho là một đoạn thơ trích trong bài “Miền Trung” của nhà thơ Hoàng Trần Cương. Từ ngữ liệu, học sinh lần lượt trả lời 4 câu hỏi nhỏ về thể thơ; hình ảnh trong thơ; nội dung một số câu thơ và nhận xét tình cảm của tác giả được thể hiện qua đoạn thơ.

Phần làm văn gồm câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Câu nghị luận xã hội tích hợp từ văn bản đọc hiểu, yêu cầu học sinh suy nghĩ về sức mạnh của tình người trong hoàn cảnh khó khăn thử thách. Còn câu nghị luận văn học yêu cầu phân tích hình tượng sông Hương qua một đoạn văn cho sẵn trong bút ký “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Từ đó, nhận xét về tính trữ tình trong bút ký của tác giả.

Với đề minh họa này, học sinh cần chú ý ôn tập các thể thơ đã học, như thể thơ tự do, lục bát, năm chữ, bảy chữ… Bên cạnh đó, các em cũng phải nắm kỹ các đơn vị kiến thức liên quan đến phần đọc hiểu như: Phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt, thao tác lập luận… Cùng với đó, học sinh cần có năng lực đọc hiểu nội dung, nghệ thuật của một văn bản bất kỳ và thông điệp mà tác giả gửi gắm qua văn bản, có thể là thơ hoặc văn xuôi.

Điều cần lưu ý là câu 4 phần đọc hiểu của đề thi tham khảo yêu cầu nhận xét về tình cảm của tác giả từ ngữ liệu khác với câu 4 của đề thi chính thức của những năm qua (rút ra một thông điệp có ý nghĩa cho bản thân).

Học sinh cũng cần chú ý đến các vấn đề thời sự xã hội gần gũi, thiết thực, có tính nhân văn như sức mạnh tình người trong hoạn nạn; sự chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ trong cuộc sống… để làm câu nghị luận xã hội cho tốt.

Như thế, học sinh cần dành thời gian để theo dõi các vấn đề thời sự trên truyền hình, báo chí. Chẳng hạn, tình người trong dịch bệnh Covid-19 được thể hiện ở những việc làm thiết thực của các cá nhân, tổ chức như đặt máy “ATM gạo” miễn phí; giải cứu nông sản giúp người dân vùng dịch; sinh viên ngành y tế tình nguyện tham gia phòng chống dịch bệnh.

Để viết đoạn văn nghị luận xã hội đúng, hay, sâu sắc, học sinh cần chú ý đến hình thức và nội dung. Các em chỉ viết một đoạn văn khoảng 2/3 mặt giấy thi (không xuống dòng), có phần mở đoạn, thân đoạn và kết đoạn; cần đưa thêm dẫn chứng vào bài làm, mở rộng vấn đề để bàn luận và tuyệt đối không triển khai đoạn văn như một bài văn thu nhỏ.

Với câu nghị luận văn học, học sinh cần nắm vững tác giả; phong cách nghệ thuật của tác giả; hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm; nội dung, nghệ thuật tác phẩm và biết cách vận dụng thao tác lập luận phân tích để phân tích một đoạn thơ, bài thơ; đoạn trích, tác phẩm văn xuôi.

Chẳng hạn để làm tốt câu nghị luận văn học của đề thi tham khảo, học sinh cần trình bày như sau:

– Giới thiệu vài nét về tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường, tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” và vấn đề cần nghị luận: Đoạn sông Hương chảy xuôi giữa đồng bằng và núi đồi u tịch trên đất Huế.

– Làm rõ vấn đề cần nghị luận: khái quát chung về thể ký và sông Hương; phân tích nội dung, nghệ thuật của đoạn trích; nhận xét về tính trữ tình trong ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường.

– Khát quát chung về nội dung, nghệ thuật của đoạn trích và vai trò, vị trí của tác giả đối với nền văn học hiện đại Việt Nam.

Trong chương trình Ngữ văn lớp 12, học sinh cần chú ý các tác phẩm: Tây Tiến (Quang Dũng); Việt Bắc (Tố Hữu); Đất Nước (Nguyễn Khoa Điềm); Sóng (Xuân Quỳnh); Người lái đò Sông Đà (Nguyễn Tuân); Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường); Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài); Vợ nhặt (Kim Lân); Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành); Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu); Hồn Trương Ba, da hàng thịt (Lưu Quang Vũ).

Nhìn chung, đề tham khảo môn Ngữ văn của năm 2021 tương đối nhẹ nhàng, gần gũi, nếu chú ý ôn tập tốt những vấn đề như đã gợi ý, học sinh hoàn toàn có thể yên tâm về bài thi của mình ở kỳ thi tốt nghiệp sắp tới.

nguồn: https://vnexpress.net/hoc-sinh-can-chu-y-van-de-thoi-su-o-mon-ngu-van-4256561.html